Hậu quả Bão_Bhola_(1970)

Phản ứng của chính phủ

Vào ngày sau khi bão tấn công bờ biển, ba pháo hạm và một tàu bệnh viện chở nhân viên y tế và đồ tiếp tế dời Chittagong đến các đảo Hatia, SandwipKutubdia.[13] Những đội từ lục quân Pakistan tiếp cận nhiều khu vực chịu thiệt hại trong vòng hai ngày sau khi xoáy thuận đổ bộ.[23] Tổng thống Pakistan Yahya Khan trở về khi công du cấp quốc gia đến Trung Quốc và thị sát khu vực thảm họa vào ngày 16 tháng 11. Tổng thống hạ lệnh dốc toàn lực nhằm cứu trợ các nạn nhân.[9] Ông cũng hạ lệnh treo rủ quốc kỳ và tuyên bố một ngày quốc tang vào 21 tháng 11, tức một tuần sau khi xoáy thuận tấn công đất liền.[24]

Trong mười ngày sau xoáy thuận, một máy bay vận tải quân sự và ba máy bay rải hóa chất cây trồng được chính phủ Pakistan phân công làm nhiệm vụ cứu trợ.[25] Chính phủ Pakistan cho biết họ không thể chuyển trực thăng quân sự từ Tây Pakistan do chính phủ Ấn Độ không cấp khoảng trống để họ vượt qua lãnh thổ nước này, song chính phủ Ấn Độ bác bỏ cáo buộc này.[20] Đến ngày 24 tháng 11, chính phủ Pakistan cấp thêm 116 triệu USD nữa nhằm trang trải cho các hoạt động cứu trợ tại khu vực thảm họa.[26] Ngày 24 tháng 11, Yahya Khan đến Dhaka để phụ trách các hoạt động cứu trợ. Thống đốc Đông Pakistan là S. M. Ahsan phủ nhận các cáo buộc rằng các lực lượng vũ trang không hành động đủ nhanh và cho biết nguồn cung cấp tiếp cận toàn bộ những nơi trong khu vực thảm họa ngoại trừ một số điểm nhỏ.[27]

Một tuần sau khi xoáy thuận đổ bộ, Tổng thống Yahya Khan thừa nhận rằng chính phủ của ông đã thực hiện những điều "sơ suất" và "sai lầm" trong quá trình tiến hành các nỗ lực cứu trợ. Ông nói rằng có một sự thiếu hiểu biết về tính trọng đại của thảm họa. Ông cũng nói rằng tổng tuyển cử dự kiến được tổ chức vào ngày 7 tháng 12 sẽ diễn ra đúng thời gian, mặc dù tám hoặc chín huyện chịu ảnh hưởng nặng nhất có thể bị trì hoãn, bác bỏ những tin đồn rằng tuyển cử sẽ bị hoãn.[28]

Khi xung đột giữa Đông và Tây Pakistan phát triển trong tháng ba, các văn phòng Dhaka của hai tổ chức chính phủ trực tiếp tham dự vào các nỗ lực cứu trợ đã bị đóng cửa trong ít nhất hai tuần, lần đầu là do tổng đình công và sau đó là một lệnh cấm các công việc của chính phủ tại Đông Pakistan do Liên minh Awami đưa ra. Nhiệm vụ cứu trợ tiếp tục được tiến hành, song việc lập kế hoạch dài hạn bị cắt bớt.[29]

Chỉ trích chính phủ

Các lãnh đạo chính trị tại Đông Pakistan phê phán phản ứng ban đầu của chính phủ trung ương trước thảm họa, một tuyên bố của 11 lãnh đạo chính trị tại Đông Pakistan chỉ trích chính phủ "hiển nhiên sao lãng, vô tình và hoàn toàn lãnh đạm". Họ cũng cáo buộc tổng thống làm giảm tầm quan trọng của vấn đề trong tin tức tường thuật.[26] Ngày 19 tháng 11, các sinh viên tổ chức tuần hành tại Dhaka để phản đối việc chính phủ phản ứng chậm,[30]Maulana Abdul Hamid Khan Bhashani diễn thuyết tại một cuộc tập hợp của 50.000 người vào ngày 24 tháng 11, khi đó ông cáo buộc tổng thống bất tài và yêu cầu ông ta từ chức. Những đối thủ chính trị của tổng thống cáo buộc ông ta cẩu thả trong các nỗ lực cứu trợ và một số yêu cầu ông ta từ chức.[27]

Hội Trăng lưỡi liềm Đỏ Pakistan bắt đầu hoạt động một cách độc lập với chính phủ do kết quả từ một tranh chấp nảy sinh sau khi họ được Hội Chữ thập Đỏ Anh Quốc tặng 20 bè mảng.[31] Một công ty thuốc trừ sâu phải chờ hai ngày trước khi họ được cấp phép cho hai máy bay phun thuốc của họ được tiến hành thả đồ tiếp tế tại các khu vực chịu ảnh hưởng. Chính phủ Pakistan chỉ triển khai một trực thăng duy nhất để tiến hành hoạt động cứu trợ.[9] Một ký giả của Pakistan Observer dành một tuần tại các khu vực chịu ảnh hưởng nặng nhất vào đầu tháng 1 và thấy rằng không lều nào được các cơ quan cứu trị cung cấp để dùng làm nơi ở cho những người sống sót và nhận xét rằng các khoản tài trợ cho việc kiến thiết nhà cửa mới là không đủ.[32]

Hậu quả chính trị

Liên minh Awami là chính đảng lớn nhất tại Đông Pakistan và do Sheikh Mujibur Rahman lãnh đạo, họ giành được đại thắng trong tổng tuyển cử quốc gia trong tháng 12 năm 1970, một phần là nhờ sự bất mãn trước các nỗ lực cứu trợ thất bại của chính phủ quốc gia. Việc bầu 9 ghế trong quốc hội và 18 ghế trong tỉnh hội bị hoãn cho đến ngày 18 tháng 1 do hậu quả của bão.[33]

Công tác điều khiển các nỗ lực cứu trợ của chính phủ làm trầm trọng cảm giác bất mãn tại Đông Pakistan, thổi bùng phong trào kháng cự tại đây. Kinh phí được phát hành một cách chậm chạp, và giao thông làm chậm lại việc đưa đồ tiếp tế đến các khu vực chịu tàn phá. Khi căng thẳng gia tăng trong tháng 3, những nhân viên ngoại quốc sơ tán do lo ngại về bạo lực.[29] Tình hình trở nên xấu hơn và phát triển thành Chiến tranh giải phóng Bangladesh trong tháng 3. Xung đột này mở rộng thành Chiến tranh Ấn Độ-Pakistan 1971 trong tháng 12 và kết thúc bằng việc hình thành Bangladesh. Đây là một trong những lần đầu tiên một sự kiện tự nhiên kích hoạt một nội chiến.[34][35].

Phản ứng quốc tế

Ấn Độ trở thành một trong những quốc gia đầu tiên cung cấp viện trợ cho Pakistan, bất chấp quan hệ đại thể còn xấu giữa hai quốc gia, và đến cuối tháng 11 đã cam kết 1,3 triệu USD (tương đương 6,9 triệu USD năm 2007) để hỗ trợ cho các nỗ lực cứu trợ.[36] Chính phủ Pakistan từ chối cho phép người Ấn Độ gửi đồ tiếp tế đến Đông Pakistan bằng đường không, buộc họ phải vận chuyển bằng đường sắt.[37] Chính phủ Ấn Độ cũng cho biết phía Pakistan từ chối một đề nghị về máy bay, trực thăng và thuyền quân sự từ Tây Bengal đến hỗ trợ hoạt động cứu trợ.[38]

Liên Hợp Quốc quyên tặng 2,1 triệu USD bằng thực phẩm và tiền mặt, trong khi UNICEF bắt đầu một cuộc vận động để đạt thêm một triệu USD.[36] UNICEF giúp tái lập nguồn cung nước tại khu vực chịu ảnh hưởng, tu sửa trên 11.000 giếng trong nhiều tháng sau bão.[39] Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc U Thant kêu gọi việc trợ cho các nạn nhân của xoáy thuận và nội chiến vào tháng 8 năm 1971, theo hai chương trình cứu trợ riêng rẽ. Ông nói chỉ 4 triệu USD được đóng góp cho các nhu cầu cấp thiết, thấp so với mục tiêu 29,2 triệu USD.[40] Đến cuối tháng 11 năm 1971, Liên hiệp các Hội Chữ thập Đỏ thu thập được 3,5 triệu USD để cung cấp viện trợ cho các nạn nhân của thảm họa.[36]

Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon cấp 10 triệu USD (tương đương 53 triệu USD năm 2007) để cung cấp lương thực và cứu trợ thiết yếu khác cho các nạn nhân của bão, và Đại sứ Hoa Kỳ tại Pakistan cam kết rằng ông sẽ "hỗ trợ chính phủ Đông Pakistan mọi cách có thể."[41] Một lời kêu gọi của Ủy ban Khẩn cấp thiên tai Anh Quốc thu được khoảng 1,5 triệu bảng cho cứu trợ thiên tại tại Đông Pakistan.[36][42] Chính phủ Canada cam kết hỗ trợ 2 triệu USD. Pháp và Tây Đức đều cử trực thăng và các đồ tiếp tế khác trị giá 1,3 triệu USD.[36][43] Giáo hoàng Phaolô VI tuyên bố rằng ông sẽ thăm Dhaka trong một chuyến công du đến Viễn Đông và kêu gọi mọi người cầu nguyện cho các nạn nhân của thảm họa.[44] Đến đầu năm 1971, bốn trực thăng Liên Xô vẫn hoạt động trong khu vực nhằm vận chuyển nhu yếu phẩm đến các khu bị chịu thiệt hại nặng. Các máy bay của Liên Xô thay thế các trực thăng của Anh và Mỹ vốn hoạt động ngay sau xoáy thuận.[32] Nội các Nhật Bản phê chuẩn kinh phí cứu trợ 1,65 triệu USD vào tháng 12. Chính phủ Nhật Bản trước đó chịu chỉ trích vì chỉ quyên góp một lượng nhỏ cho công tác cứu trợ.[45] Lô hàng đầu tiên của Trung Quốc tiếp tế cho Đông Pakistan mang theo 500.000 liều vắc xin bệnh tả, vốn không cần thiết do quốc gia này có dự trữ đầy đủ.[37] Chính phủ Trung Quốc gửi 1,2 triệu USD tiền mặt cho Pakistan.[36]

Liên quan

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Bão_Bhola_(1970) http://www.nbcnews.com/id/24488385/ns/technology_a... http://select.nytimes.com/gst/abstract.html?res=F6... http://www.storyofpakistan.com/articletext.asp?art... http://www.thehurricanearchive.com/Viewer.aspx?img... http://www.thehurricanearchive.com/cache/39704983.... http://www.thehurricanearchive.com/cache/43254554.... http://www.thehurricanearchive.com/cache/50108954.... http://www.thehurricanearchive.com/cache/55359264.... http://www.thehurricanearchive.com/cache/56613933.... http://docs.lib.noaa.gov/rescue/cd024_pdf/005ED281...